Bình Thuận Hồi chuông báo động hủy hoại, tàn phá tài nguyên môi trường tự nhiên
Nhiều năm nay, trên địa bàn hai huyện Hàm Tân và Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận diễn ra vấn nạn khai thác khoáng sản không phép; nhiều thửa đất bị đào sâu khoảng 5 đến 10 mét, nay chứa nước trông như biển hồ; ước tính hàng trăm héc ta đất nông nghiệp đã bị “xẻ thịt” lấy đất sét mang đi cung cấp cho các lò gạch trên địa bàn.

Biến đất nông nghiệp thành “biển hồ”
Trong chiều mưa nặng hạt, từ Quốc lộ 1A, chúng tôi vượt qua khoảng chục cây số, nhọc nhằn băng qua khe suối, nương rẫy; rồi đến ấp Tà Mon, xã Tân Lập và ấp Tân Hòa xã Sông Phan; là vùng giáp ranh giữa hai huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; nơi đó có trữ lượng đất sét khổng lồ.

Đập vào mắt phóng viên, có khoảng hàng trăm héc ta vốn là đất nông nghiệp, nay trở thành “biển hồ” do các đối tượng khai thác đất sét bất hợp pháp với độ sâu từ 5 đến 10 mét. Bao bọc diện tích đất bị khai thác là bạt ngàn cây keo, bạch đàn, nương rẫy; cạnh đó là hàng trăm mét lưới được những tay thợ bẩy chim giăng “bủa vây” đón hướng chim bay vào.
Cụ thể là: Tại thửa 389, tờ bản đồ 39, diện tích 11.266 m2 đất, thuộc thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân cùng với thửa 62, tờ bản đồ 67, diện tích 7867 m2 và thửa 71, tờ bản đồ 66, diện tích 3.346 m2 thuộc thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam là đất trồng lúa nước và trồng cây lâu năm nhưng bị các đối tượng khai thác đất sét trái phép, tan tành, nham nhỡ như bãi chiến trường.

Bên cạnh các thửa đất nói trên, còn có hàng chục héc ta đất nông nghiệp cũng bị các đối tượng khai thác đất sét bất hợp pháp, biến những thửa đất thành hố sâu, vực thẳm, biển hồ. Những diện tích đất này trước đây người dân canh tác trồng lúa, trồng cây lâu năm.
Ông N. D.S người dân địa phương cho biết: “khu vực thôn Tà Mon và thôn Tân Quang có rất nhiều hố sâu thẳm, người đi rẫy lâu năm như tôi còn biết đường tránh, còn những người già, trẻ em nơi khác đến không nắm rõ địa bàn, nguy hiểm hơn là vào ban đêm rất dễ rơi xuống hố, kể cả trâu, bò sa chân rơi xuống cũng không thể thoát chết”
Người dân địa phương cũng cho biết thêm: Đối tượng khai thác “sét tặc” trong nhiều năm nay không ai khác là các doanh nghiệp Đ. T, SL, N.M; những doanh nghiệp này ngày đêm tung hoành xé nát đất nông nghiệp, bất chấp pháp luật, hủy hoại tài nguyên, trốn thuế, hoạt động mang tính tư lợi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Vậy những thế lực nào “chống lưng” cho những đại gia “đất tặc” tung hoành khai thác đất đất sét một cách bất hợp pháp? Nhằm thu lợi bất chính trong nhiều năm qua?
Theo tìm hiểu của phóng viên, vùng đất bị “xẻ thịt” nêu trên, bề mặt là đất pha cát, đào sâu khoảng 0,5 mét là đất sét. Nên đây được coi là vùng đất “màu mỡ” cho các chủ đầu nậu khai thác đất sét không giấy phép. Hơn nữa là vùng giáp ranh, xa dân cư, ít người qua lại nên việc khai thác sét của các đầu nậu lại càng ngang nhiên, thách thức pháp luật.
Chính quyền địa phương có “vô trách nhiệm” trong quản lý tài nguyên?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đến gặp ông Võ Văn Phú, Chánh văn phòng UBND huyện Hàm Thuận Nam tìm hiểu thêm về nhức nhối tình trạng biến đất nông nghiệp thành vùng đất nguyên liệu khai thác sét bất hợp pháp; nhưng ông Phú cho biết: “Tôi không có thẩm quyền phát ngôn. Khi nào Chủ tịch UBND huyện cho phép thì tôi mới được trả lời với báo chí”.
Còn ông Huỳnh Tấn Khôi, Trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Vụ việc khai thác đất sét ở địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thì UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền, xác minh làm rõ. Phóng viên cần thông tin thêm thì liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi không cung cấp thông tin được; và hơn nữa tôi không có thẩm quyền phát ngôn với báo chí”
Phóng viên tiếp tục đến UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân để tìm hiểu thêm thông tin. Ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết: “Trên địa bàn xã có các ao hồ rộng lớn do khai thác khoáng sản đất sét. Để bảo đảm tính mạng cho người dân, xã sẽ phối hợp với huyện, tuyên truyền cho người dân phòng tránh đi vào hố sâu, nguy hiểm và kiến nghị cấp có thẩm quyền, lấp đất để hoàn thổ”.
Phóng viên tiếp tục hỏi: Vậy địa phương lấy ngân sách đâu để san lấp mặt bằng nhiều hố sâu, do hậu quả để lại của những đầu nậu khai thác thác đất sét? Ông Hoan cho biết: Trước mắt địa phương đang tận dụng nguồn đất, đá loại bỏ của đơn vị làm đường cao tốc trên địa bàn xã Sông Pha; vì trong quá trình thi công xây dựng đường cao tốc sẽ có những phần đất, núi gồ và sẽ san bằng vận chuyển về san lấp.
Việc khai thác đất sét trái phép nêu trên đã dấy lên hồi chuông báo động hủy hoại, tàn phá tài nguyên môi trường tự nhiên; gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước và sẽ để lại nhiều hệ lụy sau này cho người dân.
Dư luận đang chờ câu trả lời từ chính quyền tỉnh Bình Thuận về việc xử lý nghiêm minh theo quy định những đầu nậu “đất tặc” ngang nhiên tàn phá đất nông nghiệp, mang đất sét làm nguyên liệu cho các lò gạch hoạt động trên địa bàn; bất chấp các quy định về môi trường, tài nguyên khoáng sản.
Nhóm PV Đất Nam